Tuyên ngôn Cà phê
Mới đọc cái tiêu đề, hẳn cũng có bạn sẽ nghĩ rằng: “cường điệu” – mua cà phê, bán cà phê, nhà rang xay cà phê như bao nhiêu ngành nghề khác, há gì mà phải nói là tuyên ngôn nghe nổ như pháo tết.
Thực ra nguyên nghĩa của cái chữ “tuyên ngôn” cũng chẳng có gì to tát, chẳng qua đó là một lời (ngôn) tuyên bố quan điểm, sự kiện… của mình. Không nhất thiết phải liên tưởng cái chữ “Tuyên ngôn” với điều gì quá vĩ đại để rồi tự nhiên thấy không dám sử dụng nó cho những sự kiện khác.
Một chị bán thịt thì quyết tâm với chuyên môn bán thịt, vẫn biết rằng thịt vẫn thường được nấu chung với rau, hay có khi khách không mua thịt thì chuyển sang mua cá, nhưng không vì thế mà lại bỏ thêm món rau bên cạnh, hay kèm thêm vài cân cá để tiện cho khách hàng mua, còn mình thì để kiếm thêm tí lời. Chị ta tuyên bố: Tôi chỉ bán thịt.
Ngày xưa nhà văn Pháp Victor Hugo có một số bài thơ rất hay, một nhạc sỹ nổi tiếng rất yêu thích thơ của ông và cứ nằng nặc đi theo xin ông cho phép được phổ những vần thơ của ông thành nhạc, sau nhiều lần từ chối không được, nhà văn đã quay lại và gắt rằng: sao thế, chắc ông nghĩ rằng thơ của tôi chưa đủ giai điệu du dương của nó hay sao mà đòi thêm những nốt nhạc vớ vẩn của ông vào đấy? Điều của Vitor Hugo nói cũng có thể cho là một tuyên ngôn về thơ của ông.
Cà phê cũng vậy, tự thiên nhiên đã tổng hợp và ban tặng đầy đủ cho con người một hương thơm ngây ngất, chất vị đắng mà ngậy êm đềm, khi thưởng thức tách cà phê người ta có cảm giác như uống cả tinh hoa của đất trời trong đó, tinh thần lạc quan, yêu đời, sự thư thái như tăng theo sau từng ngụm cà phê mà họ thưởng thức. Những cảm giác đó, cho dù khoa học có tiến bộ đến mấy cũng khó mà tạo ra được bằng cách cho vào miệng ta những thứ vớ vẩn như hương, những tinh tổng hợp trộn với “cái gọi là bột cà phê”.
Thật là buồn cười khi ngày nay chúng ta đã tạo ra được quá nhiều “cái gọi là cà phê”, giả thì quá nhiều mà thật thì không có bao nhiêu, để rồi bị ngập luôn trong cái mớ hỗn độn cà phê bẩn, cà phê giả, cà phê đểu và người uống cà phê cần phải có trình độ của nhà khoa học này, tiến sĩ nọ mới đưa ra được cách phân biệt đâu là cà phê thật, đâu là thật chỉ một nửa!. Theo chúng tôi, nếu các bạn tìm được và uống thử cà phê thật trong một tuần, sau đó chuyển sang uống bất kỳ loại cà phê nào khác, tự các bạn sẽ nhận ra thế nào là cà phê thật và đâu là giả, có khi còn hối tiếc tại sao ta phải bỏ một thời gian dài vừa qua để xuýt xoa với một mớ tạp nham hương liệu. Tuy nhiên để làm được điều đó các bạn cần một chút thời gian, một chút cảm nhận, một chút may mắn, và điều cần nhất là phần lớn can đảm để thử qua khối lượng “gọi là cà phê” kia đang nhiều như cát sông Hằng.
Tâm tư của một người làm ra hạt cà phê đứng nhìn người uống “Bắp luộc rang cháy + Đậu nành + Cafein y tế + Caramen…+Ký ninh” để rồi gọi đó là cà phê, giống như tâm tư người trồng hoa sen đang đi lạc vào chợ bán hoa nhựa đầy hoa hòe màu sắc, cho dù cái nhụy của hoa nhựa có tỏa được hương thơm đi chăng nữa thì cũng chỉ tăng thêm phần tiềm ẩn bên trong nó hàng chục chế phẩm gây ung thư cho già và trẻ bởi sự vô tâm và vô trách nhiệm của nhà sản xuất.
Vẫn biết điều gì cũng có căn nguyên nguồn cội, như “cà phê bẩn cũng có lịch sử” của nó. Tuy nhiên đã đến lúc dừng lại sự tự đầu độc mình và điều đó có khi cũng cần một tuyên ngôn.
Hãy cùng nhau nói: Chúng tôi chỉ làm cà phê thật, đơn giản là cà phê, thế thôi...