Sự thật về cà phê “nguyên chất” (Cà phê chuẩn): cà phê bẩn hay giả?
Để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, cơ quan quản lý cần sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định tiêu chuẩn cà phê, Cà phê chuẩn nhằm ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê.
Đó là ý kiến đồng thuận mà đại diện đến từ các bộ, ngành, doanh nghiệp tham gia tọa đàm “Cà phê bẩn – thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) tổ chức ngày 20-7.
Phải minh bạch thành phần và tỉ lệ cà phê
Ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Vinastas, cho biết kết quả khảo sát hàm lượng caffeine trong 253 mẫu cà phê đen tại bốn địa phương lớn trong cả nước cho thấy nhiều mẫu cà phê chứa caffeine rất ít, thậm chí không có caffeine.
Theo ông Tuấn, những sản phẩm cà phê kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được cung cấp cho người tiêu dùng hằng ngày không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của cà phê VN.
“Do nguồn lực hạn chế nên chúng tôi chỉ mới dừng ở việc kiểm tra hàm lượng caffeine, chứ nếu đi sâu vào vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm chắc chắn sẽ phát hiện nhiều thứ bất thường hơn” – ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Huy Quang – vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế: “Gọi những sản phẩm cà phê ấy là cà phê bẩn trong chừng mực nào đó không sai, nhưng cà phê mà không có tí caffeine nào thì đấy là cà phê giả!”.
Thượng úy Đinh Văn Mạnh – Đội phó đội 3, Phòng 7, (C49) Bộ Công an – cho biết trong quá trình đấu tranh, phòng ngừa, cơ quan này phát hiện các cơ sở sản xuất vi phạm chủ yếu như pha trộn các loại ngũ cốc (đậu nành, bắp…) vào cà phê để giảm giá thành, tăng lợi nhuận nhưng các doanh nghiệp này lại không ghi các thành phần này trên bao bì.
Cũng theo ông Mạnh, nhiều cơ sở sản xuất cà phê bằng… 100% đậu nành nhưng lại ghi trên nhãn mác “cà phê nguyên chất”, “cà phê Tây nguyên” để đánh lừa người tiêu dùng. Các cơ sở này thường đóng tại những nơi vắng vẻ, đầu tư nhà xưởng nhỏ lẻ, làm thủ công bằng cuốc xẻng, dép… không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất các cơ sở này thường sử dụng hóa chất, hương liệu không được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, rất nguy hiểm đối với sức khỏe người dùng. “Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số trường hợp sử dụng hóa chất như đường hóa học, các loại thuốc, chất bảo quản quá liều lượng cho phép, đa số được mua từ chợ Kim Biên, không có hóa đơn chứng từ” – thượng úy Mạnh nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa Cục QLTT – Bộ Công thương, cho rằng vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là việc sử dụng hóa chất hay phụ gia trái phép trong sản xuất cà phê. Các đối tượng này thường sử dụng các loại hóa chất có giá rẻ, hóa chất không được phép sử dụng, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Đừng “treo đầu dê, bán thịt chó”
Theo ông Nguyễn Hùng Long – phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, về nguyên tắc, tất cả cơ sở kinh doanh, sản xuất cà phê đều phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, con người để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn.
Trong quá trình sản xuất các cơ sở này cũng phải chịu kiểm tra việc tuân thủ. Thế nhưng, trong nhiều lần làm trưởng đoàn đi thanh tra việc kinh doanh sản xuất cà phê ở các tỉnh Tây nguyên, ông Long cho biết đã phát hiện tình trạng cà phê độn các loại đậu nành, bắp khá phổ biến.
“Có một thực tế là đến nay VN vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm cà phê” – ông Long cho biết.
Theo ông Long, khi bắt tay xây dựng quy chuẩn quốc gia cho mặt hàng cà phê cách nay mấy năm, những người thực hiện đã gặp nhiều lúng túng do các tiêu chuẩn thực phẩm của VN được xây dựng dựa trên Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex) của Liên Hiệp Quốc, nhưng ủy ban này lại không có quy chuẩn riêng cho mặt hàng cà phê.
Do đó, Bộ Y tế đã tham khảo bộ quy chuẩn cho sản phẩm cà phê của Thái Lan, nhưng vì có nhiều tranh cãi nên đến nay quy chuẩn cho cà phê Việt vẫn còn dang dở. Theo các chuyên gia, dù VN chưa có quy chuẩn quốc gia về cà phê nhưng không có nghĩa muốn sản xuất cà phê như thế nào cũng được.
Pháp luật VN cũng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có cà phê, ngoài ra khi đã sản xuất phải công bố minh bạch, trung thực và thực hiện đúng công bố.
Theo đó, với sản phẩm đóng gói phải thực hiện công bố thông tin, một là dành cho sản phẩm có quy chuẩn quốc gia, hai là sản phẩm chưa có quy chuẩn nhưng phải được xác nhận phù hợp quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Để được xác nhận, doanh nghiệp phải tuân thủ một loạt quy định, trong đó quan trọng là phải có phiếu kiểm nghiệm chất lượng một số chỉ tiêu về an toàn. Chẳng hạn trong cà phê, quy định ngưỡng an toàn về hàm lượng kim loại nặng, độc tố vi nấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cuối cùng là phụ gia thực phẩm” – một chuyên gia đề nghị. Cùng quan điểm,
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội – cho rằng điều đáng quan tâm là nhiều doanh nghiệp pha trộn bắp hay đậu nành khi sản xuất cà phê nhưng vẫn công bố 100% cà phê nguyên chất! “Bản thân bắp không phải chất độc, lẽ ra phải công bố rõ thành phần, nhưng doanh nghiệp sợ công bố rõ sẽ không bán được hàng” – ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH cà phê Lê Phan cho rằng ngay cả khi cho phép sản xuất cà phê… trộn (bắp, đậu nành..) cũng cần có quy định rõ tỉ lệ trộn và phải công khai thành phần, tỉ lệ trộn.
Ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, giám đốc Nhà máy Nestlé, cũng cho rằng không phải cà phê 100% là bán được, mà tùy thuộc vào “gu” của người sử dụng.
“Thực tế, ngoài yếu tố lợi nhuận, việc sản xuất cà phê của một số doanh nghiệp nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, các sản phẩm này phải công khai thành phần và tỉ lệ để cơ quan quản lý kiểm tra và người tiêu dùng được biết” – ông Ngọc nói.
Người Việt phải được thưởng thức cà phê VN đúng chất
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tân Kỷ, tổng giám đốc Vinacafe, cho rằng VN là quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới nhưng người Việt chưa được uống một ly cà phê đúng nghĩa.
Do đó, đã đến lúc người tiêu dùng phải được cung cấp những ly cà phê không những ngon mà phải sạch, đúng chất cà phê VN. Với cà phê trộn, nếu được cho phép cũng cần phải minh bạch thông tin và phải ghi nhãn, chấm dứt tình trạng thiếu minh bạch trong sản xuất, kinh doanh, phân phối cà phê như thời gian qua.
Cũng nhân dịp này, Vinastas đã đề xuất ý tưởng rằng các hộ sản xuất cà phê, các công ty chế biến và kinh doanh cà phê, đặc biệt các công ty hàng đầu ở VN như Vinacafe, Trung Nguyên, Nescafe, G7, Phúc Long…, các công ty nước ngoài… gia nhập thành viên của CLB “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng” để cung cấp những sản phẩm cà phê tin cậy vì người tiêu dùng.
Cần sớm xây dựng quy chuẩn cho cà phê Việt
Theo ông Nguyễn Huy Quang – vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cà phê cũng như vị đắng cà phê là nét đẹp văn hóa của VN ở từng vùng miền. Khẩu vị cà phê còn tùy thuộc vào nhiều người như sánh, đặc, đắng chứ không thể rang lên là xong.
Thị trường đòi hỏi những sản phẩm cà phê khác nhau, do đó việc sử dụng các phụ gia thực phẩm đều được, vấn đề là khi sử dụng thì phải rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo về mặt chất lượng, hàm lượng tỉ lệ phải công khai, minh bạch.
VN đã có rất nhiều luật liên quan đến an toàn thực phẩm cho thấy tuyên ngôn của Nhà nước đối với thực phẩm rất rõ ràng, các chỉ tiêu liên quan đến an toàn thực phẩm cho cà phê cũng đã có dù chưa có quy chuẩn riêng.
Các chỉ tiêu chất lượng liên quan đến cà phê bột, cà phê rang… cũng đã được nêu. Như vậy, thể chế pháp lý đảm bảo cà phê sạch cho người sử dụng hoàn toàn có.
Vấn đề hiện nay là VN cần sớm xây dựng quy chuẩn cho sản phẩm cà phê, trả lại niềm tin cho người tiêu dùng; xem lại các hình thức xử phạt, chế tài đã đủ răn đe hay chưa. Ngay cả bản thân doanh nghiệp cũng cần phải minh bạch, phải đề cao quyền lợi của người tiêu dùng.