Ngay tại thủ phủ của cà phê, cơ quan chức năng phát hiện có đến 5 mẫu cà phê hoàn toàn không có hàm lượng cà phê (caffeine) trong sản phẩm. Kinh khủng hơn, 14/15 mẫu được kiểm ở tỉnh Đắk Nông còn được xác định là kém chất lượng.
Sốc với mẫu không có caffeine mà người sành uống vẫn coi đó là Cà phê chuẩn
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam vừa cho biết: Sau 3 đợt khảo sát từ tháng tháng 4 đến đầu 7.2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy, tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine. Trong một kết quả kiểm tra độc lập, tỉnh Đắk Nông cũng phát hiện có 3 mẫu không phát hiện hàm lượng caffeine. Từ tháng 5 đến nay, khảo sát của hội ở 278 mẫu cà phê cho kết quả 30,04% có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1gr/lít), trong đó có 7 mẫu không có caffeine.
Ngay tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, trong tháng 6, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) công bố có 2 mẫu không có hàm lượng caffeine trong 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, 28/100 mẫu có hàm lượng caffeine có hàm lượng dưới 1% (không đạt yêu cầu). Tại Đắk Nông, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NNPTNT) kiểm tra 15 mẫu ngẫu nhiên thì phát hiện 14 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 3 mẫu không có hàm lượng caffeine.
Báo cáo cũng nêu rõ, quá trình khảo sát còn nhiều hạn chế do chỉ mới tập trung tại hai TP lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và vài tỉnh; quy mô còn nhỏ, chủ yếu chỉ mới khảo sát tại quán cà phê lịch sự, quán cóc, căntin bệnh viện, cà phê vỉa hè và xe đẩy. Ngoài ra, khảo sát chỉ mới nêu tỷ lệ caffeine trong mẫu mà chưa đề cập đến những chất khác trong mẫu, chưa đề cập đến vấn đề an toàn vệ sinh, chất lượng của sản phẩm.
Công nghệ sản xuất cà phê toàn đậu, bắp, đường cục…
Theo cơ quan chức năng Đăk Nông, sản phẩm “đầu vào” để sản xuất cà phê không có hàm lượng caffeine chủ yếu là đậu nành, bắp (ngô). Nguyên liệu này sau khi được rang cháy thành than được đem trộn với đường cục, chất tạo màu caramen, muối, rượu, nước và nhiều loại hóa chất Trung Quốc rồi xay thành “cà phê” bột và đem đóng gói, phân phối ra thị trường. Cụ thể, theo báo cáo số 101/BC-QLCL của Chi cục về phân tích chất lượng cà phê bột, rau, quả, đoàn kiểm tra đã lấy 15 mẫu cà phê ngẫu nhiên đang được bày bán nhiều nơi trên thị trường. Kết quả kiểm định làm kinh ngạc cả các thành viên của đoàn, những người vốn rất có kinh nghiệm về cà phê giả, cà phê kém chất lượng. Trong số 15 mẫu được đưa đi xét nghiệm, phân tích hàm lượng caffein, chỉ có duy nhất một mẫu đạt (chiếm tỷ lệ 7%).
Ngoài việc phát hiện cà phê bột không có hàm lượng caffein, đoàn kiểm tra còn phát hiện các lỗi phổ biến mà chủ các cơ sở thường mắc khi bị kiểm tra là: không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như kho chứa nông sản chưa tách biệt với các sản phẩm khác như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón …
Chất lượng sản phẩm là vậy, nhưng nhiều chủ cơ sở quảng cáo trên mây. Cụ thể, Nhãn cà phê Chính Nguyên (139 Nguyễn Tri Phương, thành phố Buôn Ma Thuột) có slogan “thật như cảm xúc”. Trên bao bì của thương hiệu này là hình ảnh cao nguyên hùng vĩ với tách cà phê thơm ngon đang bốc khói nghi ngút và hình ảnh con chồn với ngụ ý cà phê chồn. Chủ cơ sở này cũng cho in số đăng ký chất lượng với những câu quảng cáo hấp dẫn như: “được đặc chế từ những hạt cà phê ngon nhất Buôn Ma Thuột”, “sản phẩm có nước pha màu đậm, hương thơm nồng” Tức cười hơn, chủ cơ sở này còn đánh lừa người tiêu dùng khuyến cáo “đây là loại cà phê thích hợp với những người có gu cà phê đậm”. Thế nhưng, đây là một trong 4 nhãn cà phê được phát hiện “không hề có hàm lượng caffein”.
Theo một cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, các mẫu cà phê dỏm thường được quảng cáo “hoành tráng” hơn các mẫu cà phê thật. Bên cạnh trường hợp Chính Nguyên trên đây, một số cơ sở có mẫu cà phê “không phát hiện thành phần cà phê” như cà phê trộn tổng hợp của Công ty TNHH cà phê Đắk Lắc cũng tự giới thiệu là cà phê từ những dòng cà phê nổi tiếng Đắk Lắc như cà phê chồn, Trung Nguyên; thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột Gia Phúc của một cơ sở tại Tịnh Bắc, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với slogan “tinh túy hương vị Việt” cũng không hề có thành phần cà phê.
Khi Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Nông xử lý các cơ sở vi phạm thì có cơ sở đã bị triệu tập 2, 3 lần nhưng không đến làm việc. Có cơ sở khi truy nguyên địa chỉ ghi trên nhãn hiệu cà phê thì mới biết đó là địa chỉ “ma” vì không có trên thực tế hoặc không phải là nơi rang xay cà phê; có cơ sở thì đã đóng cửa, không liên hệ được; một số cơ sở ngoài tỉnh Đắk Nông như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi thì nằm ngoài thẩm quyền xử phạt…